Tuesday, February 10, 2009

Michael Burr: Đầu tư vào Hận thù

Michael Burr: Đầu tư vào Hận thù
Etcetera / VietWeekly
đăng ngày 07/02/2009


Nhiếp Ảnh gia Michael Burr: “Những người biểu tình

đã đầu tư quá nhiều vào lòng thù hận”

LTS: Tại phòng tiếp tân của cuộc triển lãm ảnh của nghệ sĩ Brian Doan ở trường Cypress College tối thứ Ba, 3 tháng 2, 2009, một người khách bỗng nhiên nổi bật hơn những người khác. Nổi bật vì ông mặc một chiếc áo đỏ có hình ngôi sao vàng, biểu tượng của lá cờ CSVN. Đó là nhiếp ảnh gia Michael Burr, một cựu chiến binh Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam từ năm 1968. Ông Michael Burr từng có nhiều cuộc triển lãm ảnh cá nhân lẫn tập thể về Việt Nam ở cộng đồng Bolsa trong mấy năm gần đây. Cuộc triển lãm của Brian Doan với bức ảnh “Yếm đỏ sao vàng” đang là mối quan tâm của những nhà tranh đấu, chính trị trong cộng đồng Việt Nam, và tác phẩm của Brian Doan trong cuộc triển lãm “Nghệ thuật lên tiếng” của VAALA đã làm phẫn nộ một số đồng hương, dẫn đến chuyện cuộc triển lãm với trên 50 nghệ sĩ phải đóng cửa trước thời hạn. Để tìm hiểu suy nghĩ của nhiều người về sự việc, Việt Weekly đã mở rộng diễn đàn, phỏng vấn ông Michael Burr để tìm hiểu thêm một suy nghĩ của người Hoa Kỳ về quan điểm chính trị Quốc-Cộng đang là một đề tài tranh luận sôi nổi của nhiều người.
Việt Weekly với chủ trương diễn đàn đa chiều, không bênh vực hay cổ vũ cho bất kỳ một phe phái nào, chỉ muốn làm vai trò thông tin và dành phần quyết định cho thính giả, độc giả. Do đó, Việt Weekly xin dành diễn đàn cho bất kỳ phe nhóm nào có nhu cầu lên tiếng, trình bày quan điểm của mình trong tinh thần tương kính và tôn trọng.

VW: Tại sao ông mặc áo đỏ sao vàng đến tham dự buổi triển lãm?

MB (Micheal Burr): Vì tôi muốn bày tỏ sự ủng hộ của tôi đối với một đồng nghiệp mà đồng thời cũng là một người bạn, anh Brian Đoàn. Tôi tin vào tự do ngôn luận. Tôi không tin vào sự kiểm duyệt thông tin hay ý kiến. Tôi không có kiên nhẫn với sự dốt nát và ngu ngốc. Những người biểu tình và người phá hoại tác phẩm nghệ thuật cần phải đi học để được giáo dục thêm, thay vì tiếp tục sống trong vũng lầy của 35 năm thù hận.

VW: Nếu ông mặc chiếc áo này vào khu phố Việt Nam, ăn phở, ông nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra?

MB:Tôi nghĩ, tôi sẽ bị gặp nhiều rắc rối (cười). Đôi khi tôi mặc chiếc áo này và đội chiếc mũ này, nó làm người ta ngỡ ngàng. Tôi là một cựu chiến binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam. Tôi là một nhiếp ảnh gia, và đã từng triển lãm nhiều lần ở Little Saigon, nhưng tôi không cho rằng, những người biểu tình có quyền đóng cửa cuộc triển lãm nhiếp ảnh, hay bất cứ cuộc triển lãm nào khác. Đây là quốc gia, mà người tới đây sinh sống được hưởng quyền tự do ngôn luận, quyền tự do hội họp mà không phải sợ hãi một điều gì. Những người biểu tình không hiểu những điều này. Họ đang áp đặt những gì cũng giống như đang xảy ra ở Việt Nam: kiểm duyệt những gì họ không muốn nhìn thấy, hoặc không muốn quần chúng nhìn thấy. Họ nói rằng, họ đang chiến đấu cho dân chủ, trên thực tế, miền Nam Việt Nam chưa bao giờ có dân chủ. Ngô Đình Diệm là một nhà độc tài, thắng cử năm 1955 với tỷ lệ 95% phiếu. Đó là một chuyện nực cười, bởi vì ở Mỹ, cuộc thắng cử lớn nhất của Lyndon Johnson chỉ có 60%. Sau Diệm, là Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Văn Thiệu, mấy người này chỉ lo truy diệt những đối thủ chính trị, cho nên Nam Việt Nam chưa bao giờ có nền dân chủ.

VW: Những người chống cộng so sánh hình ảnh Hồ Chí Minh với Hitler trong cộng đồng Do Thái, ông nghĩ như thế nào?

MB:Hitler là một con quỷ, chịu trách nhiệm giết hại 6 triệu người. Hồ Chí Minh, trước hết, là một người quốc gia. Những người biểu tình phải đọc lại lịch sử. Sau đệ nhị thế chiến, Hồ Chí Minh viết 7 lá thư, gần như là van xin, tổng thống Truman công nhận Việt Nam, và không để Pháp quay lại Việt Nam. Bởi vì khuynh hướng thân Âu châu của Bộ Ngoại Giao lúc bấy giờ, Á châu không được ưu tiên như Âu châu trong việc tái xây dựng. Một thỏa thuận giữa Pháp và Mỹ đã xảy ra. Pháp giúp Mỹ thực hiện kế hoạch Marshall, ngược lại Mỹ để cho Pháp quay trở lại Việt Nam. Một lỗi lầm to lớn. Dẫn tới cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Pháp thua ở trận Điện Biên Phủ năm 1954. Hiệp định Geneve chia đôi đất nước. Không may, Mỹ đã không ký vào văn bản hiệp định đó. Mỹ muốn chận đứng làn sóng cộng sản được cho là đang lan rộng, và nơi được chọn là Việt Nam.

VW: Là một cựu quân nhân Mỹ chiến đấu cho tự do tại Việt Nam, ông có so sánh gì về thời điểm đó và bây giờ?

MB:Trước hết, tôi đã không chiến đấu cho tự do. Đó chỉ là một chiêu bài do chính phủ tung ra cho quần chúng Mỹ. Tôi không phải là quân nhân tham chiến, tôi đến Việt Nam trong vai trò dạy tiếng Anh cho không quân Việt Nam. Lúc đó, tôi không biết gì về Việt Nam. Tôi không biết Việt Nam ở đâu. Tôi không biết tại sao chúng tôi lại phải đến đó. Và khi tôi ở đó, tôi biết thêm được nhiều điều. Trong đó, tôi biết được rằng Việt Nam là một lỗi lầm đối ngoại lớn nhất của Mỹ trong thế kỷ 20. Tôi nghĩ lẽ ra chúng ta nên để người Việt Nam tự giải quyết vấn đề của họ. Và kết quả có thể đã là ok. Tôi không phải là người cộng sản hay ủng hộ cộng sản. Tôi tin rằng, cộng sản là một chủ nghĩa sẽ tự nó phải đào thải. Tôi nghĩ rằng nếu để Việt Nam có được khoảng 30 năm phát triển kinh tế thay vì chiến tranh, Việt Nam đã tương đương với Thái Lan, Singapore, Malaysia, hay Nam Hàn của ngày hôm nay. Người Việt rất tháo vát, siêng năng và cần cù. Tôi trở lại Việt Nam 3 lần trong vòng 5 năm qua, và nhìn thấy cộng sản đang bị tan rã dần. Mỗi lần tôi trở lại đều thấy kinh tế phát triển, người dân vui tươi hơn. Dĩ nhiên, là họ chưa được thỏa mãn hoàn toàn. Tôi không đồng ý với những giới hạn tự do ngôn luận, hội họp dưới chế độ cộng sản. Nhưng mà như tôi đã nói, tôi tin rằng chế độ cộng sản sẽ tự đào thải. Đi du lịch ở Việt Nam ngày hôm nay, tôi không có cảm giác là đang ở trong một chế độ cộng sản. Sự hiện diện của cảnh sát, quân đội rất ít. Cảnh tượng buôn bán sầm uất khắp nơi.

VW: Theo ông, tại sao sau ba mươi năm, người tỵ nạn Việt Nam vẫn có phản ứng mạnh mẽ với lá cờ đỏ sao vàng, hoặc bất cứ biểu tượng nào có tính cách áp đặt sự hiện diện của chính quyền cộng sản tại hải ngoại?

MB:Tôi nghĩ họ phải bỏ qua đi. Chiến tranh đã chấm dứt 34 năm rồi. Tôi hiểu về nỗi đau của người tỵ nạn hơn hầu hết những người Mỹ khác, nhưng sau 34 năm, họ phải bỏ qua để đi tới. Tôi đi ra Hội chợ Tết cuối tuần vừa rồi, người ta đứng dậy, chào cờ và hát bài quốc ca đã không còn hiện hữu nữa của 34 năm về trước. Tôi cho rằng, những người biểu tình đã đầu tư quá nhiều vào nỗi cay đắng, thù hận của chính họ, cho nên họ không thể cởi bỏ được, để tham gia vào một mục tiêu chung là biến Việt Nam trở thành một quốc gia tốt đẹp hơn.
Bài & ảnh: ETCETERA

[Source: VietWeekly – 2/2009]
Link: http://www.giaodiemonline.com/noidung_detail.php?newsid=3379

No comments: