Sunday, March 18, 2007

Chưa hết lớp Bảy, làm hiệu phó trường “chuẩn” ở Nghệ An

Chưa hết lớp Bảy, làm hiệu phó trường “chuẩn” ở Nghệ An
Friday, March 16, 2007

NGHỆ AN 16 Tháng Ba - “Con bí thư đảng ủy xã chưa học hết lớp 7 vẫn làm hiệu phó trường ‘chuẩn.’” Ðây là tựa đề một bài viết của cư dân địa phương gửi phổ biến trên Internet, cho thấy thêm mặt trái của nền giáo dục tại Việt Nam hiện nay.

Ngày 7 Tháng Ba, 2007, vừa qua, tiết lộ trong buổi họp “giao ban” giáo dục ở Cần Thơ cho thấy trên cả nước có khoảng 2.1 triệu học sinh “ngồi nhầm lớp.” Con số này được bao nhiêu phần sự thật không ai biết khi tin tức phơi bày mặt trái xã hội Việt Nam thường bị giấu bớt nếu không bị bưng bít.

“Ngồi nhầm lớp” là nhóm từ chỉ tình trạng học sinh lên tới trung học mà nhiều khi còn chưa đọc thông viết thạo, không biết làm các phép tính cộng trừ nhân chia căn bản.

Bản tin dưới đây, của một cư dân địa phương tỉnh Nghệ An, tên Hoàng Minh Tinh, cho thấy một trong những nguyên nhân làm cho nền giáo dục căn bản tại Việt Nam tại sao lại lạc hậu:

Trường Mầm Nom xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đang xây dựng trường chuẩn của tỉnh thế nhưng hiệu phó trường thì lại chưa học hết lớp Bảy.

Ðó là cô Hoàng Thị Yến, sinh năm 1976 tên thật là Hoàng Thị Phượng, sinh năm 1978, con của ông Hoàng Xuân Thư, bí thư đảng ủy của xã xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, hiện đang là hiệu phó. Cô hiện chưa học hết lớp Bảy nhưng cô đã mua bằng cấp hai của Hoàng Thị Yến, sinh năm 1976, ở xóm Trường Sơn, xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Với tấm bằng mang tên Hoàng Thị Yến này bố cô đã làm hộ khẩu và chứng minh nhân dân với cái tên giả là Hoàng Thị Yến, sinh năm 1976.

Sau đó cô Phượng đã làm hồ sơ lấy tên là Yến để xin đi học bổ túc văn hóa hai năm ba lớp cấp Ba, ở trường bổ túc văn hóa Nghi Lộc 1, tỉnh Nghệ An. Cũng trong thời gian này cô Phượng xin đi dạy mầm non của trường Mầm Nom xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Và cũng với cái tên giả là Yến đó cô Phượng được bố là Hoàng Xuân Thư làm hồ sơ giả với cái tên Yến để kết nạp đảng. Mặc dù cô chưa có một ngày tham gia sinh hoạt đoàn thể ở xóm cũng như ở xã.

Học hết bố túc văn hóa cấp Ba cô Phượng tiếp tục xin đi học tiếp tại chức Ðại Học Vinh (hiện nay vẫn chưa ra trường).

Mặc dù xã biết, trường biết, mọi người dân trong xã từ già đến trẻ ai, ai đều biết trình độ và năng lực cô Phượng chưa học hết lớp Bảy và đã dùng bằng giả mang tên là Hoàng Thị Yến nhưng vận được bỏ nhiệm làm hiệu phó của trường từ năm 2004.

Phụ huynh các cháu nếu có con học đúng lớp cô Phượng thì xin chuyển lớp vì biết trình độ của cô Phượng như vậy nhưng không dám có ý kiến. Mặc dù người dân rất bức xúc kể cả các giáo viên trong trường. Một số giáo viên được đào tạo chính quy, có năng lực thực sự, có bằng cấp chính quy thì không được đứng lớp dạy mà phải làm đi chợ nấu ăn cho các cháu. Ði đâu trong xã, ai cũng “bức xúc,” bàn tán về cô Phượng nhưng tất cả những người đó không giám đứng lên vì sợ thế lực đen đứng đàng sau ông bố cô Phượng là Hoàng Xuân Thư.

Xã và trường đã lờ đi để trường hợp của cô Phượng, còn giáo viên trong trường và người dân thì bức xúc trước tình cảnh là con em họ không được học đúng thầy, đúng cô, đúng trình độ chuyên môn.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=57109&z=2

Thursday, March 15, 2007

Vụ Mai Văn Dâu: Cả nhà cùng tham nhũng

Vụ Mai Văn Dâu: Cả nhà cùng tham nhũng
Thursday, March 15, 2007

SÀI GÒN - Tiếp tục phiên xử nguyên Thứ Trưởng Bộ Thương Mại CSVN Mai Văn Dâu và con trai Mai Thanh Hải, tham nhũng chạy hạn ngạch xuất cảng hàng dệt may sang Mỹ, ông Dâu đã phản cung lại lời khai báo trước đây về chuyện nhận hối lộ $6,000.

Ngày hôm trước, con trai ông Dâu là Mai Thanh Hải cũng chối tội ăn hối lộ cũng như tội nộp bằng giả vào Bộ Thương Mại để được làm chuyên viên của Vụ Xuất Nhập Khẩu.

Các tin tức thời gian qua cho thấy hai cha con ông Dâu, vụ trưởng Vụ Xuất Nhập Khẩu Lê Văn Thắng và một số thuộc cấp đã nuốt hàng trăm ngàn đô la chưa kể quà cáp hối lộ để được cấp hạn ngạch xuất cảng hàng dệt may.

Dưới đây là tin tức tiếp theo về phiên xử ngày 15 Tháng Ba, 2007 qua sự tường thuật của báo điện tử Vietnamnet:

Lời khai của bị cáo Võ Thị Thanh Hằng trước tòa đã cho thấy không chỉ con trai mà cả vợ bị cáo Mai Văn Dâu cũng cậy thế chồng để hưởng lợi.

Chiều cùng ngày, phiên tòa xét xử vụ chạy quota ở Bộ Thương Mại tiếp tục phần thẩm vấn bị cáo Mai Văn Dâu, nguyên Thứ Trưởng Thường Trực Bộ Thương Mại và bà Nguyễn Diên Hồng (vợ Dâu), người được tòa xác định và triệu tập ra tòa với vai trò là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cùng một số bị cáo khác trong vụ án xoay quanh mối quan hệ “tiền - quota.” Quá trình thẩm vấn đã cho thấy không chỉ Mai Thanh Hải mà ngay cả bà Nguyễn Diên Hồng cũng lợi dụng uy danh của chồng để kiếm lợi.

Tham gia xét hỏi bị cáo Mai Văn Dâu chiều nay là đại diện VKS và các luật sư. Trả lời câu hỏi của VKS về việc trong chuyến công tác phía Nam năm 2003, bị cáo có ghé thăm công ty Ðế Vương vậy việc này có nằm trong lịch trình, kế hoạch công tác không, Mai Văn Dâu cho biết không có. Việc này là do tiện đường ghé ngang. Vậy bị cáo có biết công ty Ðế Vương đã bị hải quan Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen không mà vẫn cứ cấp quota, VKS tiếp tục hỏi. Dâu cho rằng việc hải quan Hoa Kỳ nghi vấn, liệt công ty Ðế Vương vào danh đen là chuyện của họ. Sau khi nhận được thông báo của phía hải quan Hoa Kỳ, Bộ Thương Mại đã cử phái đoàn xác minh nhưng không có bằng chứng nào công ty Ðế Vương làm bậy nên sau đó đã cấp quota cho công ty này và quota đó là quota thành tích của những năm trước.

“Vậy việc ghé công ty Huy Hoàng có nằm trong kế hoạch công tác? VKS tiếp tục truy.” Mai Văn Dâu cũng trả lời không nằm trong kế hoạch. Về việc 4 lô đất mà Bùi Văn Tuấn khai tại tòa trong ngày xét hỏi đầu tiên, bị cáo Dâu thừa nhận có đến công ty Huy Hoàng cùng với Tuấn và đặt cọc mua đất, đứng tên bà Nguyễn Diên Hồng. Bị cáo Dâu thừa nhận việc mua bán sau đó không thành vì “vợ bị cáo không đồng ý”. Tuy nhiên, Bùi Văn Tuấn cho rằng không phải như vậy mà vì sau khi đặt cọc mua đất cho Dâu nhưng chờ hoài không thấy cấp hạn ngạch nên bị cáo rút lại tiền cọc, không mua “biếu” Dâu nữa.

Trả lời câu hỏi của VKS tại sao có chuyện ưu ái cho một số công ty trong việc xét cấp quota, bị cáo Mai Văn Dâu cho rằng với cương vị của bị cáo được giao thì việc bị cáo kiểm tra đột xuất những công việc cấp dưới làm là chuyện bình thường. Sau khi cấp liên Bộ xét duyệt hạn ngạch cho các công ty, bị cáo yêu cầu nhân viên trình lên một số văn bản thông báo cấp hạn ngạch là để xem họ thông báo cho công ty có kịp thời không, có đúng với số lượng đã được duyệt không.

Tham gia thẩm vấn, luật sư Phan Trung Hoài đặt vấn đề: Ai là người chỉ đạo cho các doanh nghiệp được phép cho vay, mượn hạn ngạch; việc này xuất phát từ đâu? Mai Văn Dâu chỉ đích danh Bộ Trưởng (Trương Ðình Tuyển) là người yêu cầu tổ văn thư soạn thảo văn bản trình Bộ Trưởng chỉnh sửa và duyệt sau đó yêu cầu bị cáo ký ban hành.

Chuyển sang việc bị cáo Dâu bị cáo buộc nhận hối lộ, luật sư Hoài đặt vấn đề “có ý kiến cho rằng ông có nhận hối lộ mới có việc xin nộp lại. Vậy vấn đề này ông nghĩ sao?” Mai Văn Dâu lại “bổn cũ soạn lại” là do bị bức bách về sức khỏe nên mới xin nộp tiền để được tại ngoại. Tuy nhiên đã nộp tiền nhưng đến nay vẫn cứ ngồi tù do vậy khi ra tòa tôi buộc phải khai lại cho đúng.

Cuối phần xét hỏi vào buổi chiều, HÐXX bất ngờ quay sang hỏi bà Nguyễn Diên Hồng có hay không việc từng gạ gẫm “chạy” hạn ngạch với giá 2 tỷ đồng (không được đề cập trong cáo trạng) đối với Võ Thị Thanh Hằng, Giám đốc DNTN Hoàng Trí Sài Gòn). Theo lời khai của Hằng tại cơ quan điều tra được tòa công bố: Trong một lần đến nhà riêng Mai Văn Dâu để đưa hồ sơ xin hạn ngạch nên gặp bà Hồng. Bà Hồng xem hồ sơ xong và “phán”: Ðây là Cat nóng (tức mặt hàng xuất khẩu ngay) nên khó xin lắm, muốn được phải có giá 2 tỷ đồng.

Sau đó, Hằng về Sài Gòn, bà Hồng điện thoại vào và bảo chuyển trước 1 tỷ để bà dùng vào việc mở nhà trẻ. Với số tiền quá lớn nên Hằng lưỡng lự, nhưng sau đó vì muốn xin hạn ngạch nên đã chuyển trước 780 triệu đồng (tương đương $50,000). Ðây là số tiền ứng trước để xin hạn ngạch. Mặc dù đã chuyển tiền nhưng vẫn không được cấp hạn ngạch, sau đó Hằng đòi lại và bà Hồng đã chuyển trả 580 triệu, còn nợ lại 200 triệu.

Trước tòa khi được hỏi số tiền này là tiền gì, bị cáo Hằng ấp úng “dạ tiền cho chị Hồng vay để mở nhà trẻ”. “Nếu bị cáo khai đó là tiền cho vay mượn nhưng giả sử bà Hồng không phải là vợ của Thứ Trưởng Mai Văn Dâu thì bị cáo có cho mượn không, HÐXX hỏi. Bị cáo Hồng lại ấp úng “nếu như chị em tốt với nhau thì bị cáo cũng cho mượn”. Tuy nhiên, khi VKS tham gia tiếp tục truy bị cáo Hằng về vấn đề này thì sự việc dần hé lộ. Trả lời câu hỏi của VKS việc cho bà Hồng mượn tiền là để nhằm giúp cho bị cáo xin quota có đúng không, bị cáo Hằng đáp là đúng như thế và cả 3 lần VKS hỏi có đúng vậy không bị cáo Hằng đều đáp là đúng.

Tại phiên tòa, bà Hồng cho rằng việc có mượn tiền của bị cáo Hằng chỉ là quan hệ xã hội, việc mượn tiền không có ý gì khác và không hứa hẹn. Ngoài ra, Hằng còn khai có một lần bà Hồng vào Sài Gòn cùng em gái và con dâu, chỉ trong một tuần, bị cáo này phải chi phí cho bà Hồng đến 42 triệu đồng, gồm các khoản: ăn ở khách sạn, mua mỹ phẩm, quần áo, tủ, giầy dép, đi thẩm mỹ viện... Tòa hỏi vì sao lại phải chi phí nhiều đến vậy thì Hằng khóc và nói rằng chỉ vì muốn có hạn ngạch nên phải lụy người ta!

Ngày 16 Tháng Ba, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo còn lại và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=57057&z=2

Friday, March 9, 2007

THẾ GIỚI SẼ BỊ HỦY DIỆT.

THẾ GIỚI SẼ BỊ HỦY DIỆT.

CON NGƯỜI TỰ HỦY DIỆT CHÍNH MÌNH.

NGÀY NAY CON NGƯỜI TA SẢN XUẤT RA NHIỀU CHẤT ĐỘC HẠI, NHỮNG CHẤT ĐỘC HẠI NÀY ĐƯỢC THẢI VÀO MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ, MÔI TRƯỜNG NƯỚC, MÔI TRƯỜNG ĐẤT.
TỪ NHỮNG MÔI TRƯỜNG ĐỘC HẠI NÀY SẢN SINH RA VÔ SỐ LOẠI VI TRÙNG ĐỘC HẠI MÀ CON NGƯỜI ĂN UỐNG, HÍT THỞ, SINH SỐNG TRONG ĐÓ. CHÍNH DO NHỮNG NGUYÊN NHÂN TRÊN, ĐÃ SẢN SINH RA VÔ SỐ LỌAI BỊNH ĐỘC HẠI MÀ CON NGƯỜI KHÔNG THỂ CHỬA TRỊ ĐƯỢC.
NGOÀI RA, CON NGƯỜI TA CÒN SẢN XUẤT RA NHỮNG LỌAI VŨ KHÍ ĐỘC HẠI, GIẾT NGƯỜI HÀNG LOẠT. MỘT NGÀY NÀO ĐÓ CON NGƯỜI KHÔNG THỂ KIỂM SOÁT ĐƯỢC TẤT CẢ NHỮNG THỨ NÀY.

THÌ THẾ GIỚI SẼ BỊ HỦY DIỆT MỘT CÁCH CHẮC CHẮN.
Xuân Chín Bên Cội Bồ Đề

Xuân, Hạ, Thu, Đông... rồi Xuân! Có một cuốn phim Đại Hàn mang phong vị cửa Thiền có tên như thế. Người xem có nhiều phản ứng khác nhau, nhưng lại cùng chung một tâm trạng lắng đọng và một ý nghĩ đầy trăn trở, trải dài đến mênh mông về lý vô thường của cuộc sống.

Vào lứa tuổi lục tuần, tôi thuộc về thế hệ “chiến tranh Việt Nam”, một thế hệ mà các bạn cùng lớp, cùng lứa với tôi ở trường Hàm Nghi và Quốc Học Huế có đến hai phần ba đã ra đi... về đất! Những người còn lại ở bên nầy đại dương hay bên kia đất nước thường hỏi thăm nhau với nỗi ám ánh về sự xế bóng giữa vô thường: Bên bờ sinh tử vẫn còn có nhau.

Ba mươi năm nhìn lại. Mùa Xuân rất xanh ngày nào bây giờ đã... chín.

Mùa Xuân chín tới trên quê hương vì bao nỗi lo lắng tận tình vào thời điểm cuối năm để nghênh đón mùa Xuân. Nhưng mùa Xuân cũng “chín tới” ở quê người vì sự vô tình và lặng lẽ quên mất mùa Xuân. Hai đầu múi -- thái quá hay bất cập -- đều làm cho mùa Xuân mau già mà đời thường cho là "Xuân chín tới"; nghĩa là đã hết một thời Xuân xanh hoa mộng, hồn nhiên!

Một mùa Xuân hai mươi lăm năm trước, tôi đang ở trên một quê hương mà ngày đầu năm, mùa Tết mang một ý nghĩa trọng đại trong cả lòng người và vạn vật. Rồi tôi bỗng hụt hẫng khi đi qua một vùng đất lạ mà những ngày như thế chẳng mang một ý nghĩa gì cả. Mồng Một Tết -- cũng chỉ là một ngày bình thường -- như mọi ngày theo kim đồng hồ lững thững trôi qua.

Bé Quan Thư ngày đó hỏi một câu thật bất ngờ:

- Ba ơi! Mỹ có trồng Tết được không ba?

Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

- Trồng Tết? Tết là... là... làm sao trồng được hở con?

Tôi không biết phải gọi tên, định nghĩa Tết là gì cho hợp người, hợp cảnh, hợp với sự nhận biết của một người chưa từng có kinh nghiệm "ăn Tết" trên quê hương Việt Nam. Ngay cả những nhà ngôn ngữ học tài danh xứ Anh, xứ Mỹ cũng chỉ có thể gọi cái Tết Việt Nam bằng cái tên cúng cơm nguyên thủy là "the Tet of Vietnam" mới lột tả được khái niệm tròn đầy của nó. Bé Thư nhìn Tết với đôi mắt trẻ thơ. Vì trẻ thơ nên hồn nhiên và không dính mắc, mới đủ tươi mát để cảm nhận xuyên suốt cả mùa Xuân:

- Trồng Tết là trồng cây Mai cho có bông, trồng cây chuối cho có lá mà gói bánh như mệ nội, o Thuyền dưới làng đó Ba tề.

Ý nghĩ của tuổi măng non thật ngộ nghĩnh. Ngày đó, tôi đã đóng khung lòng mình bằng hoài niệm. Tôi mang nỗi nhớ không nguôi nhốt trong chiếc lồng định kiến để tự cho rằng, "làm gì có Tết trong lòng người đi!" Có chăng một hình ảnh Tết mang theo là nỗi nhớ, nỗi buồn, nỗi xót xa của sự mất mát lạc loài sạch nhẵn. Hình ảnh lễ hội tưng bừng của ngày Tết chỉ còn là dư vang quá khứ mà thôi.

Cuộc sống đời thường thì đang thay đổi như chong chóng trong vòng "không-có, có-không" qua từng chớp mắt mà định kiến của con người thì lại đóng khung trong cách kiểu tượng đài ngỡ như thường hằng bất biến. Niềm vui tươi mới cùa con người mang nhiều định kiến thường bị đóng băng trong lúc những mùa Xuân tươi mầm, xanh lá vẫn xôn xao đi về không ngớt. Làm người xa xứ trong mùa Tết, tôi cứ sống hoài trong quá khứ. Ý nghĩ "đất lề quê thói" già khằn và mỗi ngày một khô quắt trong tôi. Ý nghĩ về làng xóm, phố phường xinh đẹp nhất; con vịt con gà thơm ngon nhất; nãi chuối buồng cau tươi ngọt nhất chỉ có trên quê hương mình... bao năm làm tôi không "lớn" nổi để thật sự làm khách ly hương trọn vẹn ở xứ người.

Tết đã mất trong lòng người đi chăng? Khi tự hỏi "mất chưa" là đã tự đã lời trong nỗi bâng khuâng nhận ra rằng... đã mất! Nỗi thương nhớ sụt sùi xa xứ rất "mít ướt" đó chỉ còn là nỗi nhớ -- một nỗi nhớ liên tưởng thuần cảm tính -- rằng: Nhớ Tết là nhớ quê hương; nhớ quê hương là nhớ Mẹ; và... nhớ làm thơ (rất chi là Nguyễn Bính) để khỏi làm thinh:

Bóng Mẹ khuất rồi Xuân vẫn đến
Mưa trời đang rũ bụi bên sông
Mẹ ơi trong bóng Giao Thừa cũ
Con nhớ ngàn xưa dáng Mẹ trông...

Tôi yên chí như thế cho đến năm thứ 5 sống trên đất Mỹ. Lần đầu tiên đi viếng phố Tàu (China Town) ở San Francisco trong chiều Ba Mươi và Mồng Một Tết. Tiếng trống múa lân và pháo Tết nổ ran khắp các dãy phố từ nhà nầy sang nhà kia không ngớt. Cảnh sát gốc da trắng và Á châu tuần tra quanh các khu phố cười toe với lời chúc xôi đậu điển hình cho Năm Mới: "Happy New Year -- Cung Hỷ Pạt Chòi!" không ngớt trên môi. Cả khu phố Tàu rộng lớn tràn ngập mầu sắc rực rỡ của đèn lồng, bánh mứt, cây trái, hoa kiểng... ngày Xuân. Hình ảnh Chợ Tết và cảnh Ăn Tết của Thượng Hải, Bắc Kinh, Hồng Kông, Chợ Lớn... đang ngự trị nơi đây. Tết Trung Hoa đã được gieo trồng và mọc lên trên đất Mỹ từ những năm 1850, khi từng đợt người Trung Hoa đặt chân lên châu Mỹ để làm thuê, làm mướn, tìm vàng hay lao động làm đường rầy xe lửa. Hơn một trăm năm sau mới có bước chân người Việt Nam đặt lên xứ nầy. Những hạt mầm Tết truyền thống Trung Hoa gieo xuống đất nầy hơn cả trăm năm trước bây giờ đã mọc lên thành cây đại thụ. Dường như khi những hạt mầm truyền thống còn tươi và khi chất phù sa của tấm lòng chưa cạn kiệt thì những chồi xanh văn hóa có thể nẩy mầm, đâm nhánh và mọc lên khỏe mạnh bất cứ nơi đâu.

Tôi thường đi chùa sáng Chủ Nhật hằng tuần như phần đông những người Việt khác ở Mỹ. Nhưng tất cả lễ nghi và nếp sinh hoạt chùa chiền, tự viện vẫn là nếp cũ, không có gì khác hơn ở quê nhà. Sự lập lại đó không “trồng” mà cũng chẳng “mọc” nên sức hút không mấy mạnh để mời gọi những tâm hồn tươi mới – trẻ trung và chưa quy y – vào cửa nhà chùa.

Có một đôi lần tôi không đến chùa vào ngày Chủ Nhật mà vào ngày thứ Bảy. Gặp lúc các em trong Gia đình Phật tử đang sinh hoạt. Lẫn trong tiếng Việt có tiếng Anh, có nụ cười vang hồn nhiên như nhạc... Rock, có những điệu bộ tự nhiên rất “Mỹ Việt đề huề.” Tôi tìm trong phong thái sinh hoạt và hành xử của các em một nét gì tươi mới như những chồi xanh Việt Nam không “đốn nguyên gốc” từ quê cũ mang theo mà mọc lên từ vùng đất nầy. Tôi có cảm tưởng như đó là một sự “chuyển cành” tự nhiên và đầy ý thức.

Tôi học cách trồng Tết bằng phương pháp chuyển cành. Nghĩa là cành mới, được chiết ra từ gốc cũ để ươm vào đất mới. Như khái niệm về Hoa Xuân chẳng hạn. Tại sao phải dính chặt vào Hoàng Mai một khi những rừng mai dại và những vườn mai khôn không thể mọc được ở bờ đất bên nầy. Sao lại không thể thay bằng anh đào, hoa đào, thủy tiên, quince, tulip, huệ, hồng đại đóa... Tuy những loài hoa Xuân mới ấy không e ấp như Mai Vàng "xóm cũ" nhưng vẫn vươn mình nở nang và đầy tròn mời đón mùa Xuân nơi đây.

Trà, mứt, bánh, trái, thịt mỡ, dưa hành... câu đối đỏ tìm đâu cũng có trong các chợ Tàu và phố Tàu bày bán la liệt. Tại sao phải chăm bẳm trụ vào "vườn rau trước ngõ, bụi chuối sau hè" không hề có ở nơi nầy.

Ngày ấy trên quê hương, khi nói về Tết, Năm Mới chẳng hạn, tôi thường chỉ đơn giản nghĩ đến Tết Ta theo âm lịch và Tết Tây theo dương lịch cũng gọi là đủ. Mãi cho đến khi sống chung với các dân tộc khác giữa cộng đồng thế giới, chúng ta mới thấy là "hàng xóm láng giềng không giống như ta." Người láng giềng Nhật bỏ "tết Ta" theo "tết Tây" từ năm 1873. Anh hàng xóm Lào, Miên theo lịch Gregorian để mừng năm mới vào giữa tháng 4. Chú bạn Hờ-Mông mừng Tân Niên sau mùa gặt cuối Xuân; qua Mỹ hết gặt hái thì chọn ngày "đầu năm" lửng lơ, du mục không nhất định.

Sự dính mắc là một hệ lụy nhân sinh. Khi suy nghĩ về mùa Xuân, về Tết, về quê hương bên kia và bên nầy tôi liên tưởng đến đạo Phật, đến đóa sen vật lý mọc lên từ bùn; đóa sen tâm lý mọc ra từ lửa; và đóa sen triết lý mọc từ nụ cười Ca Diếp. Hoa Phật, cành Phật, mầm Phật trồng đâu cũng nẩy mầm xanh lá, nhưng chẳng bị dính mắc từ chốn sinh thành. Sao con người phải bị dính mắc, phải cột chặt cái tâm vào thế giới hình tướng thoắt đến, thoắt đi như Xuân, như Tết.

Phật giáo Việt Nam đến Mỹ cùng thời với Tết và đang đứng trước một sự thử thách chưa từng có trong môi trường xã hội Âu Mỹ. Văn hóa và nếp nghĩ kinh tế thị trường đang ngự trị xã hội Âu Mỹ. Phật giáo Đài Loan, Nhật bản, Tây Tạng, Đại Hàn đã và đang thâm nhập vào xã hội phương Tây bằng hai hình thức: Chùa chiền, tự viện nguy nga, đồ sộ, có tầm cỡ thu hút được sự quan tâm của người bản xứ. Bên cạnh đó, hình thái tu học tăng đoàn, đa số tu sĩ trẻ được đào tạo từ các trường đại học và thông thạo ngoại ngữ. Trong lúc đó đạo Phật Việt Nam tại hải ngoại thì có vẻ như đang phát triển theo chiều ngược lại. Chùa chiền Việt Nam phát triển rất nhiều nhưng phần lớn chưa thoát khỏi hình thức “thảo am” đơn sơ và đạm bạc so với các nước châu Á trong vùng. Rất có thể đây là hậu quả trực tiếp của hình thái sinh hoạt tăng đoàn ngày một mỏng, phân hóa và phần đông các tu sĩ trẻ tuổi có khuynh hướng “thầy cúng” phổ biến hơn là khuynh hướng thiền sư.

Đất Âu Mỹ không có nguồn mạch của Hồng Hà, Cửu Long nhưng mầm văn hóa và văn hiến Việt Nam vẫn có thể gieo trồng và mọc lên tươi tốt. Thế hệ đàn anh đã ươm mầm một bản sắc Việt Nam. Tất nhiên trong đó có cả mầm Tết, mầm đạo Phật Việt Nam nơi đây. Nhưng cội bồ đề Việt Nam mai kia có phát triển sum sê đủ cho thế hệ đàn em Việt Nam núp bóng mát khi mùa Xuân chín tới -- tất sẽ chuyển sang mùa Hè nóng bức -- hay không thì vẫn còn là một câu hỏi.

Trần Kiêm Đoàn
Chùa Kim Quang, Sacramento, ngày đầu năm 2007

http://www.take2tango.com/News.aspx?NewsID=4321

Wednesday, March 7, 2007

Dễ Bị Buồn Ngủ Ban Ngày: Dấu Hiệu Nhiều Chứng Bệnh

Dễ Bị Buồn Ngủ Ban Ngày: Dấu Hiệu Nhiều Chứng Bệnh

Có nhiều người thường hay buồn ngủ vào ban ngày, ngáp vắn ngáp dài, không thể mở mắt nổi trong những buổi họp kéo dài quá lâu.

Thông thường, chúng ta thường nghĩ sở dĩ có những cơn buồn ngủ vào ban ngày là vì thiếu ngủ vào ban đêm.

Thật ra, có nhiều nguyên nhân gây ra những cơn buồn ngủ vào ban ngày, không chỉ vì thiếu ngủ vào ban đêm. Nếu bạn thường xuyên có những cơn buồn ngủ ngày, bạn có thể tham khảo để chữa trị kịp thời những vấn đề về sức khoẻ.

Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra những cơn buồn ngủ ngày, theo nghiên cứu của trường đại học Pennsylvania:

- Những cơn buồn ngủ ngày có thể là dấu hiệu của bệnh trầm uất hay bệnh tiểu đường.

- Bệnh béo phì cũng có thể gây ra những cơn buồn ngủ ngày.

- Bệnh trầm uất là nguyên nhân gây ra những cơn ngủ ngày phổ biến nhất.

- Tật nghiện hút thuốc cũng gây ra những cơn buồn ngủ ngày.

- Hệ thống tiêu hoá có vấn đề (như ăn không tiêu) cũng có thể gây ra những cơn buồn ngủ ngày.

- Dưới 30 và trên 75 là độ tuổi thường có những cơn buồn ngủ ngày nhất.
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=117&nid=103585

Tuesday, March 6, 2007

Những Hạt Mầm Giận Dữ

Những Hạt Mầm Giận Dữ

(LÊN MẠNG Thứ sáu 31, Tháng Ba 2006)

Hannah Beech/Panlong
(Time)
Văn Hiền dịch
(VNN)

Phong trào kháng nghị đã nổ ra khắp các miền nông thôn Trung Hoa về đủ mọi thứ, từ chuyện cưỡng đoạt đất đai cho đến tham nhũng. Tại một quốc gia có đến 900 triệu người là nông dân, việc kiểm soát được tình trạng bất ổn này có lẽ là thách thức vô cùng khó khăn đối với chính quyền Bắc Kinh.

Người đàn ông sợ đến gần như không thốt được nên lời, anh ta thì thầm "Tôi chỉ là một nông dân", ngay khi cảnh sát vừa rời khỏi thị trấn Panlong tỉnh Guangdong Trung Hoa. "Tôi biết tôi chẳng là gì cả". Nhưng những gì anh ta vừa chứng kiến lại là một điều rất quan trọng. Vào giữa tháng giêng, người đàn ông này đã tham gia cuộc biểu tình để phản đối chính quyền địa phương đã tước đoạt đất công sau đó đem cho một hãng dệt HongKong thuê lại. Người dân Panlong nói rằng số tiền họ được đền bù chênh lệch quá xa so với số tiền mà các nhà đầu tư nước ngoài đã bỏ ra. Họ yêu cầu phải làm rõ xem số tiền đã đi đâu? Chỉ trong vài ngày, hơn 1000 người dân đã tụ tập lại gần khu vực tranh chấp, khua chiêng trống và chận hẳn một con đường quốc lộ. Đến hoàng hôn ngày 14 tháng giêng, nhiều cảnh sát vũ trang bằng roi điện đã tràn xuống và tấn công vào đoàn người. Người nông dân nói rằng một em bé gái 13 tuổi khi đang tìm cách lẩn trốn sau một đống củi đã bị đánh đến chết, đồng thời họ cũng phỏng đoán có gần 20 người bị thương nặng (Một phát ngôn viên tại thành phố Zhongshan lân cận tuyên bố cô bé bị chết vị bệnh tim). Vụ đổ máu không làm cho người dân Panlong ngạc nhiên. Một nhân chứng yêu cầu nặc danh nói: "Chính quyền địa phương lâu nay đã làm mất lòng dân. Chúng tôi mong chờ chính quyền trung ương giải quyết ổn thoả, nhưng chẳng biết họ có làm điều này hay không".

Những cuộc kháng nghị như vậy hiện đang diễn ra khắp các miền quê Trung Hoa và ngày một thường xuyên hơn - cho đến nay, Bắc Kinh không thể chế ngự nổi tình trạng bất ổn này. Theo thống kê của chính quyền trung ương, trong năm 2005 đã diễn ra hơn 87000 lần "rối loạn trật tự công công", tăng lên nhiều so với 10000 vụ năm 1994. Những vụ bất ổn nổ ra tại những thôn xóm nhỏ như Panlong, nơi những người nông dân từng là lực lượng nòng cốt của Đảng Cộng Sản giờ đây cảm thấy bị gạt ra khỏi sự phát triển kinh tế của Trung Hoa. 900 triệu nông dân chỉ có một vài quyền ít ỏi để tự định đoạt số phận một cách hợp pháp hoặc hợp chính trị, tạo ra một mũi nhọn hoàn toàn không cân xứng với một Trung Quốc đang phát triển kinh tế như vũ bão: Môi trường bị xuống cấp đã đẩy hàng trăm triệu người vào cảnh không có không khí và nước sạch. Ruộng đất biến thành nhà máy thường không đền bù thoả đáng, và Bắc Kinh ở quá xa khiến cho mỗi khu vực tự mình tìm cách phát triển, thế là các quan chức chính quyền đua nhau làm đầy túi tham. Kết quả là sự chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn trở thành cao nhất kể từ khi nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa được hình thành từ năm 1949. Christine Wong, giáo sư đại học Washington, chuyên nghiên cứu về chính quyền địa phương Trung Hoa nhận xét: "Những gì Trung Quốc đang có chính là phần tệ hại nhất của một kế hoạch kinh tế và cũng là phần tệ hại nhất của chủ nghĩa tư bản. Nông dân là những người bị thiệt hại nhiều nhất".

Làn sóng giận dữ của nông dân có thể không quan trọng lắm nếu như cách mạng vô sản ở Trung Quốc không có lịch sử hình thành từ những người nông dân bất mãn. Chính Đảng Cộng Sản sáu thập niên trước đã xây dựng nền móng của mình bằng cách bảo vệ quyền lợi của nông dân, khiến nông dân đã tham gia Đảng Cộng Sản để đấu tranh lật đổ địa chủ. Chắc chắn những gì mà người lãnh đạo Đảng Cộng Sản đã nhận ra sự nguy hiểm tiềm tàng trong tia lửa bất mãn, đặc biệt là khi điện thoại di động và Internet đã giúp người dân có thế thông tin liên lạc với nhau một cách dễ dàng hơn. Tuần này sẽ diễn ra cuộc họp thường niên của Quốc Hội Trung Quốc, Quốc Hội Nhân Dân Trung Hoa (NPC) sẽ tập trung vào việc làm thế nào để hoàn thành cái mà chủ tịch Hồ Cẩm Đào gọi là "xây dựng một xã hội hài hoà", với những gì đang là rào cản tăng trưởng kinh tế sẽ được xoá bỏ và thay bằng những chính sách cải cách có trách nhiệm hơn. Ngoài một số việc cần thiết, người ta cũng chờ mong NPC cải cách giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng nông thôn. Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh sự quan tâm của mình trong một bài diễn văn hồi tháng trước nhắc đến sự ổn định của đất nước có liên quan đến việc xây dựng cái mà ông gọi là "nông thôn chủ nghĩa xã hội mới". Trước khi hé mở một kế hoạch trị giá hàng tỉ USD mà chính phủ dành để hỗ trợ nông dân, chủ tịch Đào cũng nói: "Nếu người nông dân trở nên giàu có thì đất nước sẽ thịnh vượng. Nếu làng quê ổn định thì xã hội sẽ ổn định". Một điều mà ông Hồ Cẩm Đào không đề cập đến, nhưng rất dễ dàng nhận ra: Bắc Kinh lo ngại họ đang dần dần mất khả năng điều khiển các tỉnh trực thuộc - điều này cần phải được chấm dứt.

De Gaulle từng than phiền về việc điều hành một quốc gia với 246 tỉnh thành, nhưng Trung Hoa lại có 9 tỉnh mà mỗi tỉnh cũng đã có dân số nhiều hơn dân số của nước Pháp ngày nay - đồng thời cũng ngày một khó chịu hơn. Một quốc gia xuất hiện trước thế giới như một khối thống nhất, qua nhiều thập niên phân quyền của Bắc Kinh, hình thành từ sự trộn lẫn của các tỉnh thành, các khu tự trị, khu vực hành chính lớn đặc biệt - và các thành phố tự trị, mỗi nơi lại có một hệ thống hành chính và mục đích khác hẳn nhau. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với nhật báo trung ương Thanh Niên Trung Quốc, ngay cả cựu phó bộ trưởng Giáo dục Zhang Baoqing càu nhàu: "Vấn đề lớn nhất của Trung Quốc là chuyện phép vua thua lệ làng. Những gì được công thức hoá của Trung Nam Hải đôi khi lại khác hẳn với Trung Nam Hải. Khi chúng ta tìm cách giải quyết vấn đề cho sinh viên nghèo vay tiền học phí, các đơn vị cấp dưới hoàn toàn không thèm nghe chúng ta. Ngay cả điều này còn không làm được thì còn nói gì được nữa?" Năm ngoái, một báo cáo về tình hình Trung Hoa do tổ chức hợp tác phát triển kinh tế đã gióng lên một hồi chuông báo động: "Trừ khi nào các cơ quan hoạt động thống nhất và chính quyền có thể truyền đạt quyết định hoặc chính sách thì các khu vực tự trị mới có thể phát triển, Trung Quốc mới có thể duy trì sự phát triển mạnh mẽ của nó trong vài năm nữa và chuyển sang giai đoạn tiếp theo".

Khả năng kiểm soát mong manh của Bắc Kinh là kết quả tất yếu của lịch sử. Khi Đặng Tiểu Bình đề ra chính sách cải cách kinh tế năm 1979, ông đã nới lỏng quyền điều khiển của Đảng Cộng Sản, cho phép chính quyền địa phương có thể theo đuổi mô hình kinh tế của chính mình. Ông tin rằng sự cạnh tranh sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và ông đã suy đoán đúng. Nhưng đồng thời, nó cũng tạo ra nhiều hậu quả không lường trước. Ngày nay, Trung Quốc là một trong vài quốc gia đặt trách nhiệm chăm sóc sức khoẻ, an sinh xã hội và giáo dục vào ban tay của chính quyền địa phương. Thế nhưng, bị bó buộc về ngân sách, các quan chức địa phương đã tập trung vào các kế hoạch đầu tư con người ngắn hạn, sinh lợi, thay vì các kế hoạch dài hạn. Tình trạng này đặc biệt phổ biến ở miền quê, nơi Bộ Y Tế Trung Quốc phải chấp nhận rằng chỉ có 20% lợi ích y tế được xúc tiến, dù có đến 70% dân số Trung Hoa đang sinh sống ở các miền nông thôn. Trong khi đó, một sáng kiến của chính phủ cho phép trẻ em được giáo dục miễn phí 9 năm đưa ra vào năm 2000 đã im lặng rơi vào quên lãng. Vào tháng trước, Bộ Giáo Dục kêu gọi chính quyền địa phương đầu tư 12 tỉ USD cho lãnh vực giáo dục trong vòng năm năm tới. Nhưng họ không đưa ra một chi tiết nào nói đến việc chính quyền địa phương lấy ngân sách ở đâu để chi cho khoản này. Trong năm 2004, có 305 thị xã không hề chi một đồng ngân sách cho giáo dục tiểu học hoặc trung học, theo thống kê của Bộ Giáo Dục.

Vấn đề tài chính đã được trút lên vai người nông dân nghèo, những người thậm chí không đủ tiền để thanh toán cho các khoản dịch vụ căn bản. Theo một nghiên cứu của Bộ Y Tế, 22% người dân nghèo Trung Hoa cho biết chính bệnh tật và chấn thương đã đẩy họ vào con đường nghèo đói. Thế nhưng chính quyền trung ương, với tình hình mâu thuẫn trầm trọng giữa các bộ với nhau, không đủ khả năng để giám sát các tỉnh thành điạ phương - cũng đầy mâu thuẫn - trong việc sử dụng ngân sách vào các dịch vụ xã hội. Dù những sáng kiến vẫn đều đặn hình thành tại Bắc Kinh, nhưng đa số đều không đề cập đến vấn đề ngân sách đầu tư và kết quả là đều bị huỷ bỏ. Những nhiệm vụ khác cũng được chuyển giao cho chính quyền địa phương, như chính sách chăm sóc y tế hiện nay của Bắc Kinh cho phép địa phương có quyền xây dựng một chính sách riêng cho mình, khiến cho kết quả là trên toàn quốc có đến 2800 biện pháp chăm sóc y tế hoàn toàn khác biệt nhau. Theo nhận xét của Giáo sư Wong tại đại học Washington, người cũng đang hợp tác với ngân hàng thế giới với trách nhiệm là cố vấn: "Chúng tôi trao đổi với chính quyền trung ương, và rõ ràng họ muốn đảo ngược tình thế nan giải này. Nhưng việc giải quyết vấn đề phải vượt qua cả năm cấp chính quyền. Tôi cho rằng nhiều người tại Bắc Kinh cũng đã đi đến kết luận rằng họ không biết cách giải quyết vấn đề này".

Ba năm trước đây, làng Panlong không hề tồn tại. Thay vào đó là hai làng, một làng tên là Hoà Bình và một làng tên là Ái Quốc. Vào năm 2003, các nhà lãnh đạo của hai làng quyết định kết hợp đất ruộng của cả hai và cho một công ty HongKong thuê để thực hiện dự án xây dựng nhà máy dệt. Tên làng mới là Panlong, hay Bàng Long, tiêu biểu cho một thôn nhỏ với tham vọng kinh tế to lớn thay vì những quy định cổ hủ của chủ nghiã xã hội.

Nhưng làng Panlong đã sớm làm cho người dân phải thất vọng. Nông dân nói họ không được quyền lên tiếng về việc phân phối đất, nhiều người nổi giận vì đất ruộng của họ bị tước đoạt. Tệ hơn nữa, những người lãnh đạo làng này nói rằng chi phí đền bù cho một mẫu đất - tương đương 1/15 hectare - chỉ vào khoảng 100 USD một năm, dù nhà máy HongKong trả đến 3300 USD cho một mẫu đất. Số tiền còn lại rơi vào túi ai, đó là một điều hoàn toàn mờ mịt, nông dân nói rằng sau khi hợp đồng được ký thì các thành viên trong uỷ ban lãnh đạo làng đã bắt đầu xây nhà hoặc mua xe hơi mới. (Phát ngôn viên uỷ ban lãnh đạo Panlong từ chối bàn luận về chi tiết của các cuộc ăn chơi bất kể thời gian: "Tôi không biết gì về điều này"). Một người dân Panlong nhận xét "Chúng tôi sống tại đây và thấy rõ họ đang làm những gì. Họ không thể nào che giấu chúng tôi được". Anh cho biết một trong những người bạn của mình đã được thuê xây dựng căn nhà mới cho một người trong uỷ ban lãnh đạo làng.

Tuy nhiên, hiểu biết không đồng nghiã với khả năng kiểm soát và sử dụng. Bộ luật Trung Quốc không theo kịp sự phát triển kinh tế, khiến cho nông dân không hề có cách nào kháng nghị để bảo vệ quyền lợi và đất đai hợp pháp của mình trước sự tham nhũng và cố vị. Vấn đề là các quan toà Trung Quốc lại được chính cơ quan sở tại thuê hoặc có quyền sa thải, khiến cho các vị quan toà không thể nào công minh chính trực. Zhang Qianfan, giáo sư luật tại đại học Peking nói: "Rất nhiều trong số họ (Các quan chức địa phương) đã làm nhiều điều quá quắt, trong khi người dân lại không làm được gì cả. Toà án không có hiệu lực. Họ thường liên kết chặt chẽ với chính quyền và từ chối các vụ án như thế này. Về mặt kỹ thuật, dù chính quyền địa phương được quyền kiểm soát đất đai và cho người nước ngoài thuê nếu điều đó "có lợi cho cộng đồng", nhưng không có cơ chế nào bảo đảm việc người dân nhận được đầy đủ quyền lợi của mình. Dù kỳ vọng về chính sách "Nông thôn xã hội chủ nghiã mới" được đưa ra vào tháng trước, với việc tổ chức lại chính sách quản lý đất nông thôn, nhưng chính sách này lại không bao gồm việc cải cách chính sách sử dụng đất. Theo một báo cáo năm ngoái của Quốc Hội, có khoảng 60% diện tích đất nông thôn được phân phối cho những người thực hiện dự án phát triển và lãnh đạo địa phương, 30% chảy vào ngân sách của địa phương và chỉ còn lại 10% đi đến người dân là những người bị buộc phải từ bỏ đất đai của mình. Chỉ có hai tỉnh và một thành phố tự trị ở Trung Quốc hình thành quy định giải quyết yêu cầu về quyền lợi của nông dân. Đa số nông dân ở các tỉnh thành khác phải kiến nghị trực tiếp đến Bắc Kinh, nơi tiếng nói yếu ớt của họ thường bị nhận chìm trong những lời than phiền.

Một trong số những tiếng nói gây chú ý đến từ làng Liujiaying, miền đông tỉnh Shandong, nơi người dân nói rằng họ nghe nói sẽ bị thu hồi đất vườn từ năm 2003. Sau khi nhận thấy chính quyền địa phương đưa ra giá bồi hoàn quá thấp, nông dân Liujiaying phản đối và không chịu dọn đất. Kháng nghị của họ hoàn toàn bị chìm nghỉm. Chỉ trong vài tháng, xe ủi đất hoạt động ban đêm đã phá huỷ sạch những vườn nho và trái cây đã có từ nhiều thập niên. Sau đó, các nhà ươm cây cũng bị ủi sạch. Nông dân nói ban đêm họ bị giật mình thức giấc vì tiếng gạch ủi vọng từ ngoài cửa sổ, một vài người thậm chí đã bị đánh đập (Phát ngôn viên chính quyền địa phương thành phố Qingdao có nhiệm vụ giám sát ngôi làng này nói "Tôi hoàn toàn không biết chi tiết về trường hợp này. Những tai nạn như thế này thường xuyên xảy ra tại Trung Hoa"). Một nông dân 62 tuổi tên là Liu Yinde vào tháng giêng đã đến Qingdao để đòi hỏi đền bù, mang theo một kiến nghị trình bày chi tiết tất cả sự việc. Trong kiến nghị, ông đòi hỏi chính quyền bồi thường trực tiếp 1,8 triệu USD cho những người dân bị mất thu nhập và kêu gọi thẳng lên Bắc Kinh: "Nông dân chúng tôi tin rằng chính quyền do chủ tịch Hồ Cẩm Đào lãnh đạo sẽ thực thi pháp luật cho người dân. Chúng tôi tin rằng ông sẽ quan tâm đến vấn đề của dân làng chúng tôi". Nhưng trước khi ông kịp gởi lá thư này thì Liu nói có một nhóm côn đồ chặn ông lại tại nhà ga, xé bỏ kiến nghị và bắt giam ông làm con tin trong một khách sạn suốt tám ngày. Ông nói: "Tôi không hiểu tại sao không ai quan tâm đến vấn đề của tôi. Luật pháp để làm gì nếu không phục vụ cho người dân?".

Về phần mình, chính quyền địa phương than phiền họ phải chịu một áp lực tài chính quá nặng nề. Vào năm 1994, chính quyền trung ương tìm cách khôi phục quyền hạn của mình qua một biện pháp cải cách đánh thuế lợi tức và thu gom tiền thuế, thay vì để cho địa phương được quyền thu và sử dụng. Cải cách này đem lại cho Bắc Kinh nhiều tiền hơn, để làm những việc đại khái như đưa con người bay vào không gian, nhưng các quan chức địa phương tin rằng điều này sẽ sớm thay đổi. Giáo sư đại học Suzhou, ông Xia Yongxiang nhận xét: "Chính quyền địa phương đã mất đi nguồn thu nhập chính, thế mà họ vẫn phải gánh vác trách nhiệm về dịch vụ xã hội". Vấn đề càng trở nên phức tạp hơn khi việc bổ nhiệm lãnh đạo địa phương lệ thuộc vào sự phát triển nhanh đầu tư nước ngoài, hơn là theo yêu cầu của các dịch vụ công ích xã hội. Không lấy gì làm ngạc nhiên khi chi phí y tế cộng đồng tại Trung Hoa vào năm 1994 là 4.2% GDP, sau khi cải cách thuế đã giảm xuống còn 2.8% vào năm 2002. Quyết định gần đây của Bắc Kinh về việc bãi bỏ thuế ruộng đất sẽ lại làm cho chính quyền địa phương hao hụt thêm nguồn thu ngân sách để chi cho các dịch vụ xã hội, mặc dù chính quyền trung ương hứa sẽ bao cấp. Cuối cùng, một số quan chức địa phương đã sử dụng một số hình thức tính thuế và thanh toán bất hợp pháp cũng như tìm cách giữ đất đem cho các nhà đầu tư nước ngoài thuê. Tại nhiều địa phương, các nguồn thu sáng tạo này lại có tác dụng hơn là ngân quỹ chính thức.

Có lẽ người nông dân sẽ không bất mãn, nếu tiền thu được xử dụng để xây trường học hoặc nạo vét lòng sông. Thay vào đó, họ than phiền rằng đồng tiền thu được thường bị quan chức địa phương sử dụng không đúng mục đích. Nhiều vụ hối lộ đã kết thúc bằng án tù giam, ví dụ như bản án hồi tháng trước của tỉnh Hebei dành cho bí thư chi bộ tỉnh uỷ vì đã ra lệnh tấn công làm thiệt mạng 6 người dân trong cuộc kháng nghị về vấn đề đất đai năm 2004. Nhưng rất ít trường hợp tham nhũng bị đưa ra toà, vì các quan chức địa phương thường xuyên bao che lẫn nhau. Điều này khiến cho chính quyền địa phương tại Trung Hoa trở nên thừa nhân sự, đặc biệt ở các vùng nông thôn, nơi công việc hành chính được xem như một hệ thống phúc lợi xã hội làm giảm thất nghiệp. Chỉ riêng việc trả lương và phụ cấp cho công chức chính quyền, nhà nước đã phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn. Ông Zhou Tianyong, phó giám đốc trung tâm nghiên cứu Central Party School, trung tâm bồi dưỡng chính trị của đảng cộng sản, nhận xét với tạp chí China Entrepreneur rằng: "Quan chức Trung Hoa chi tiêu quá nhiều tiền vào việc ăn nhậu và số lượng xe công mua mỗi năm đủ để xây dựng hai đập nước".

Bắc Kinh đã tìm mọi thử nghiệm để có thể làm cho đồng tiền được đưa đến cho người dân - một dự án trả lương cho giáo viên qua bưu điện thay vì để việc thanh toán lương này cho chính quyền trung ương kiểm soát. Nhưng theo Anthony Saich, giám đốc chương trình nghiên cứu xã hội Trung Hoa tại đại học Harvard: "Làm thế nào chúng ta biết được việc chính quyền địa phương có 20 giáo viên hay không? Chính quyền cấp cao không tin tưởng vào thuộc cấp". Nông dân từng ngây thơ tin tưởng rằng chính quyền trung ương có khả năng giải quyết mọi vấn đề giờ cũng đã mất lòng tin. Philip Brown, nhà kinh tế học tại cao đẳng Colby, người nghiên cứu về nông thôn Trung Hoa nói "Người ta nói rằng chính phủ đang tiến hành cải cách, và họ kiên nhẫn chờ đợi. Nhưng khi nhận thấy việc cải cách không được toàn diện, thế là họ tự hỏi đây phải chăng là những điều mà chúng tôi chờ đợi. Phương tiện thông tin đại chúng của Trung Hoa, dù đã cố gắng cung cấp cho nông dân hiểu biết về quyền lợi căn bản, càng làm cho người dân tỉnh ngộ. Theo Mary Gallagher, nhà nghiên cứu chính trị học tại đại học Michigan nhận định "Vì bản thân các phương tiện truyền thông cũng một nửa là thuộc chính quyền, do đó họ chỉ cung cấp các thông tin có lợi của pháp luật. Một phần là do các phương tiện truyền thông không thể đưa tin bất lợi đối với bạn, do đó họ chỉ tập trung vào những điều có lợi. Và nó tạo ra ảo tưởng".

Nông dân tại Panlong cảm thấy hy vọng của họ có thể trở thành ảo tưởng. Tất cả những gì họ mong đợi chính là công lý. Họ đã hai lần gởi đại diện đến Bắc Kinh với hy vọng có ai đó lắng nghe lời nói của họ. Nhưng không ai làm điều đó. Giờ đây, họ nói rằng chương trình vệ tinh không bị kiểm duyệt của HongKong cũng đã bị cắt, nên họ hoàn toàn không biết được thế giới bên ngoài nhìn vào vấn đề của họ như thế nào. Các nhà báo khi cố gắng đến gần làng đã bị cản trở. Họ tin rằng Bắc Kinh phải biết được điều gì đang xảy ra - và chính điều đó càng làm cho họ mất lòng tin vào chính quyền trung ương. Một người dân Panlong cay đắng hỏi: "Tại sao họ không quan tâm đến nông dân?"

Cách đó 50 km là làng Lishan, ở đó có một nông dân tên là Liang Beidai là một trong số những người sẵn sàng đứng lên chống trả. Vào tháng trước, ba người dân làng Lishan đã bị thương khi cuộc kháng nghị của họ bị đàn áp, người ta cũng nói rằng một học sinh trung học đã bị bắn vào đầu. Lãnh đạo của cuộc kháng nghị, Liang nói: "Chúng tôi sẵn sàng hy sinh (Cho quyền lợi của chúng tôi). Cả làng đã đi vào ngõ cụt, chúng tôi không có tiền, không có việc làm, không có đất đai. Không còn gì phải sợ nữa cả".

Nếu người nông dân đã không còn gì để sợ, thì có lẽ Bắc Kinh phải bắt đầu run rẩy.
http://www.vnn-news.com/article.php3?id_article=1933