Tuesday, March 6, 2007

Những Hạt Mầm Giận Dữ

Những Hạt Mầm Giận Dữ

(LÊN MẠNG Thứ sáu 31, Tháng Ba 2006)

Hannah Beech/Panlong
(Time)
Văn Hiền dịch
(VNN)

Phong trào kháng nghị đã nổ ra khắp các miền nông thôn Trung Hoa về đủ mọi thứ, từ chuyện cưỡng đoạt đất đai cho đến tham nhũng. Tại một quốc gia có đến 900 triệu người là nông dân, việc kiểm soát được tình trạng bất ổn này có lẽ là thách thức vô cùng khó khăn đối với chính quyền Bắc Kinh.

Người đàn ông sợ đến gần như không thốt được nên lời, anh ta thì thầm "Tôi chỉ là một nông dân", ngay khi cảnh sát vừa rời khỏi thị trấn Panlong tỉnh Guangdong Trung Hoa. "Tôi biết tôi chẳng là gì cả". Nhưng những gì anh ta vừa chứng kiến lại là một điều rất quan trọng. Vào giữa tháng giêng, người đàn ông này đã tham gia cuộc biểu tình để phản đối chính quyền địa phương đã tước đoạt đất công sau đó đem cho một hãng dệt HongKong thuê lại. Người dân Panlong nói rằng số tiền họ được đền bù chênh lệch quá xa so với số tiền mà các nhà đầu tư nước ngoài đã bỏ ra. Họ yêu cầu phải làm rõ xem số tiền đã đi đâu? Chỉ trong vài ngày, hơn 1000 người dân đã tụ tập lại gần khu vực tranh chấp, khua chiêng trống và chận hẳn một con đường quốc lộ. Đến hoàng hôn ngày 14 tháng giêng, nhiều cảnh sát vũ trang bằng roi điện đã tràn xuống và tấn công vào đoàn người. Người nông dân nói rằng một em bé gái 13 tuổi khi đang tìm cách lẩn trốn sau một đống củi đã bị đánh đến chết, đồng thời họ cũng phỏng đoán có gần 20 người bị thương nặng (Một phát ngôn viên tại thành phố Zhongshan lân cận tuyên bố cô bé bị chết vị bệnh tim). Vụ đổ máu không làm cho người dân Panlong ngạc nhiên. Một nhân chứng yêu cầu nặc danh nói: "Chính quyền địa phương lâu nay đã làm mất lòng dân. Chúng tôi mong chờ chính quyền trung ương giải quyết ổn thoả, nhưng chẳng biết họ có làm điều này hay không".

Những cuộc kháng nghị như vậy hiện đang diễn ra khắp các miền quê Trung Hoa và ngày một thường xuyên hơn - cho đến nay, Bắc Kinh không thể chế ngự nổi tình trạng bất ổn này. Theo thống kê của chính quyền trung ương, trong năm 2005 đã diễn ra hơn 87000 lần "rối loạn trật tự công công", tăng lên nhiều so với 10000 vụ năm 1994. Những vụ bất ổn nổ ra tại những thôn xóm nhỏ như Panlong, nơi những người nông dân từng là lực lượng nòng cốt của Đảng Cộng Sản giờ đây cảm thấy bị gạt ra khỏi sự phát triển kinh tế của Trung Hoa. 900 triệu nông dân chỉ có một vài quyền ít ỏi để tự định đoạt số phận một cách hợp pháp hoặc hợp chính trị, tạo ra một mũi nhọn hoàn toàn không cân xứng với một Trung Quốc đang phát triển kinh tế như vũ bão: Môi trường bị xuống cấp đã đẩy hàng trăm triệu người vào cảnh không có không khí và nước sạch. Ruộng đất biến thành nhà máy thường không đền bù thoả đáng, và Bắc Kinh ở quá xa khiến cho mỗi khu vực tự mình tìm cách phát triển, thế là các quan chức chính quyền đua nhau làm đầy túi tham. Kết quả là sự chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn trở thành cao nhất kể từ khi nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa được hình thành từ năm 1949. Christine Wong, giáo sư đại học Washington, chuyên nghiên cứu về chính quyền địa phương Trung Hoa nhận xét: "Những gì Trung Quốc đang có chính là phần tệ hại nhất của một kế hoạch kinh tế và cũng là phần tệ hại nhất của chủ nghĩa tư bản. Nông dân là những người bị thiệt hại nhiều nhất".

Làn sóng giận dữ của nông dân có thể không quan trọng lắm nếu như cách mạng vô sản ở Trung Quốc không có lịch sử hình thành từ những người nông dân bất mãn. Chính Đảng Cộng Sản sáu thập niên trước đã xây dựng nền móng của mình bằng cách bảo vệ quyền lợi của nông dân, khiến nông dân đã tham gia Đảng Cộng Sản để đấu tranh lật đổ địa chủ. Chắc chắn những gì mà người lãnh đạo Đảng Cộng Sản đã nhận ra sự nguy hiểm tiềm tàng trong tia lửa bất mãn, đặc biệt là khi điện thoại di động và Internet đã giúp người dân có thế thông tin liên lạc với nhau một cách dễ dàng hơn. Tuần này sẽ diễn ra cuộc họp thường niên của Quốc Hội Trung Quốc, Quốc Hội Nhân Dân Trung Hoa (NPC) sẽ tập trung vào việc làm thế nào để hoàn thành cái mà chủ tịch Hồ Cẩm Đào gọi là "xây dựng một xã hội hài hoà", với những gì đang là rào cản tăng trưởng kinh tế sẽ được xoá bỏ và thay bằng những chính sách cải cách có trách nhiệm hơn. Ngoài một số việc cần thiết, người ta cũng chờ mong NPC cải cách giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng nông thôn. Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh sự quan tâm của mình trong một bài diễn văn hồi tháng trước nhắc đến sự ổn định của đất nước có liên quan đến việc xây dựng cái mà ông gọi là "nông thôn chủ nghĩa xã hội mới". Trước khi hé mở một kế hoạch trị giá hàng tỉ USD mà chính phủ dành để hỗ trợ nông dân, chủ tịch Đào cũng nói: "Nếu người nông dân trở nên giàu có thì đất nước sẽ thịnh vượng. Nếu làng quê ổn định thì xã hội sẽ ổn định". Một điều mà ông Hồ Cẩm Đào không đề cập đến, nhưng rất dễ dàng nhận ra: Bắc Kinh lo ngại họ đang dần dần mất khả năng điều khiển các tỉnh trực thuộc - điều này cần phải được chấm dứt.

De Gaulle từng than phiền về việc điều hành một quốc gia với 246 tỉnh thành, nhưng Trung Hoa lại có 9 tỉnh mà mỗi tỉnh cũng đã có dân số nhiều hơn dân số của nước Pháp ngày nay - đồng thời cũng ngày một khó chịu hơn. Một quốc gia xuất hiện trước thế giới như một khối thống nhất, qua nhiều thập niên phân quyền của Bắc Kinh, hình thành từ sự trộn lẫn của các tỉnh thành, các khu tự trị, khu vực hành chính lớn đặc biệt - và các thành phố tự trị, mỗi nơi lại có một hệ thống hành chính và mục đích khác hẳn nhau. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với nhật báo trung ương Thanh Niên Trung Quốc, ngay cả cựu phó bộ trưởng Giáo dục Zhang Baoqing càu nhàu: "Vấn đề lớn nhất của Trung Quốc là chuyện phép vua thua lệ làng. Những gì được công thức hoá của Trung Nam Hải đôi khi lại khác hẳn với Trung Nam Hải. Khi chúng ta tìm cách giải quyết vấn đề cho sinh viên nghèo vay tiền học phí, các đơn vị cấp dưới hoàn toàn không thèm nghe chúng ta. Ngay cả điều này còn không làm được thì còn nói gì được nữa?" Năm ngoái, một báo cáo về tình hình Trung Hoa do tổ chức hợp tác phát triển kinh tế đã gióng lên một hồi chuông báo động: "Trừ khi nào các cơ quan hoạt động thống nhất và chính quyền có thể truyền đạt quyết định hoặc chính sách thì các khu vực tự trị mới có thể phát triển, Trung Quốc mới có thể duy trì sự phát triển mạnh mẽ của nó trong vài năm nữa và chuyển sang giai đoạn tiếp theo".

Khả năng kiểm soát mong manh của Bắc Kinh là kết quả tất yếu của lịch sử. Khi Đặng Tiểu Bình đề ra chính sách cải cách kinh tế năm 1979, ông đã nới lỏng quyền điều khiển của Đảng Cộng Sản, cho phép chính quyền địa phương có thể theo đuổi mô hình kinh tế của chính mình. Ông tin rằng sự cạnh tranh sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và ông đã suy đoán đúng. Nhưng đồng thời, nó cũng tạo ra nhiều hậu quả không lường trước. Ngày nay, Trung Quốc là một trong vài quốc gia đặt trách nhiệm chăm sóc sức khoẻ, an sinh xã hội và giáo dục vào ban tay của chính quyền địa phương. Thế nhưng, bị bó buộc về ngân sách, các quan chức địa phương đã tập trung vào các kế hoạch đầu tư con người ngắn hạn, sinh lợi, thay vì các kế hoạch dài hạn. Tình trạng này đặc biệt phổ biến ở miền quê, nơi Bộ Y Tế Trung Quốc phải chấp nhận rằng chỉ có 20% lợi ích y tế được xúc tiến, dù có đến 70% dân số Trung Hoa đang sinh sống ở các miền nông thôn. Trong khi đó, một sáng kiến của chính phủ cho phép trẻ em được giáo dục miễn phí 9 năm đưa ra vào năm 2000 đã im lặng rơi vào quên lãng. Vào tháng trước, Bộ Giáo Dục kêu gọi chính quyền địa phương đầu tư 12 tỉ USD cho lãnh vực giáo dục trong vòng năm năm tới. Nhưng họ không đưa ra một chi tiết nào nói đến việc chính quyền địa phương lấy ngân sách ở đâu để chi cho khoản này. Trong năm 2004, có 305 thị xã không hề chi một đồng ngân sách cho giáo dục tiểu học hoặc trung học, theo thống kê của Bộ Giáo Dục.

Vấn đề tài chính đã được trút lên vai người nông dân nghèo, những người thậm chí không đủ tiền để thanh toán cho các khoản dịch vụ căn bản. Theo một nghiên cứu của Bộ Y Tế, 22% người dân nghèo Trung Hoa cho biết chính bệnh tật và chấn thương đã đẩy họ vào con đường nghèo đói. Thế nhưng chính quyền trung ương, với tình hình mâu thuẫn trầm trọng giữa các bộ với nhau, không đủ khả năng để giám sát các tỉnh thành điạ phương - cũng đầy mâu thuẫn - trong việc sử dụng ngân sách vào các dịch vụ xã hội. Dù những sáng kiến vẫn đều đặn hình thành tại Bắc Kinh, nhưng đa số đều không đề cập đến vấn đề ngân sách đầu tư và kết quả là đều bị huỷ bỏ. Những nhiệm vụ khác cũng được chuyển giao cho chính quyền địa phương, như chính sách chăm sóc y tế hiện nay của Bắc Kinh cho phép địa phương có quyền xây dựng một chính sách riêng cho mình, khiến cho kết quả là trên toàn quốc có đến 2800 biện pháp chăm sóc y tế hoàn toàn khác biệt nhau. Theo nhận xét của Giáo sư Wong tại đại học Washington, người cũng đang hợp tác với ngân hàng thế giới với trách nhiệm là cố vấn: "Chúng tôi trao đổi với chính quyền trung ương, và rõ ràng họ muốn đảo ngược tình thế nan giải này. Nhưng việc giải quyết vấn đề phải vượt qua cả năm cấp chính quyền. Tôi cho rằng nhiều người tại Bắc Kinh cũng đã đi đến kết luận rằng họ không biết cách giải quyết vấn đề này".

Ba năm trước đây, làng Panlong không hề tồn tại. Thay vào đó là hai làng, một làng tên là Hoà Bình và một làng tên là Ái Quốc. Vào năm 2003, các nhà lãnh đạo của hai làng quyết định kết hợp đất ruộng của cả hai và cho một công ty HongKong thuê để thực hiện dự án xây dựng nhà máy dệt. Tên làng mới là Panlong, hay Bàng Long, tiêu biểu cho một thôn nhỏ với tham vọng kinh tế to lớn thay vì những quy định cổ hủ của chủ nghiã xã hội.

Nhưng làng Panlong đã sớm làm cho người dân phải thất vọng. Nông dân nói họ không được quyền lên tiếng về việc phân phối đất, nhiều người nổi giận vì đất ruộng của họ bị tước đoạt. Tệ hơn nữa, những người lãnh đạo làng này nói rằng chi phí đền bù cho một mẫu đất - tương đương 1/15 hectare - chỉ vào khoảng 100 USD một năm, dù nhà máy HongKong trả đến 3300 USD cho một mẫu đất. Số tiền còn lại rơi vào túi ai, đó là một điều hoàn toàn mờ mịt, nông dân nói rằng sau khi hợp đồng được ký thì các thành viên trong uỷ ban lãnh đạo làng đã bắt đầu xây nhà hoặc mua xe hơi mới. (Phát ngôn viên uỷ ban lãnh đạo Panlong từ chối bàn luận về chi tiết của các cuộc ăn chơi bất kể thời gian: "Tôi không biết gì về điều này"). Một người dân Panlong nhận xét "Chúng tôi sống tại đây và thấy rõ họ đang làm những gì. Họ không thể nào che giấu chúng tôi được". Anh cho biết một trong những người bạn của mình đã được thuê xây dựng căn nhà mới cho một người trong uỷ ban lãnh đạo làng.

Tuy nhiên, hiểu biết không đồng nghiã với khả năng kiểm soát và sử dụng. Bộ luật Trung Quốc không theo kịp sự phát triển kinh tế, khiến cho nông dân không hề có cách nào kháng nghị để bảo vệ quyền lợi và đất đai hợp pháp của mình trước sự tham nhũng và cố vị. Vấn đề là các quan toà Trung Quốc lại được chính cơ quan sở tại thuê hoặc có quyền sa thải, khiến cho các vị quan toà không thể nào công minh chính trực. Zhang Qianfan, giáo sư luật tại đại học Peking nói: "Rất nhiều trong số họ (Các quan chức địa phương) đã làm nhiều điều quá quắt, trong khi người dân lại không làm được gì cả. Toà án không có hiệu lực. Họ thường liên kết chặt chẽ với chính quyền và từ chối các vụ án như thế này. Về mặt kỹ thuật, dù chính quyền địa phương được quyền kiểm soát đất đai và cho người nước ngoài thuê nếu điều đó "có lợi cho cộng đồng", nhưng không có cơ chế nào bảo đảm việc người dân nhận được đầy đủ quyền lợi của mình. Dù kỳ vọng về chính sách "Nông thôn xã hội chủ nghiã mới" được đưa ra vào tháng trước, với việc tổ chức lại chính sách quản lý đất nông thôn, nhưng chính sách này lại không bao gồm việc cải cách chính sách sử dụng đất. Theo một báo cáo năm ngoái của Quốc Hội, có khoảng 60% diện tích đất nông thôn được phân phối cho những người thực hiện dự án phát triển và lãnh đạo địa phương, 30% chảy vào ngân sách của địa phương và chỉ còn lại 10% đi đến người dân là những người bị buộc phải từ bỏ đất đai của mình. Chỉ có hai tỉnh và một thành phố tự trị ở Trung Quốc hình thành quy định giải quyết yêu cầu về quyền lợi của nông dân. Đa số nông dân ở các tỉnh thành khác phải kiến nghị trực tiếp đến Bắc Kinh, nơi tiếng nói yếu ớt của họ thường bị nhận chìm trong những lời than phiền.

Một trong số những tiếng nói gây chú ý đến từ làng Liujiaying, miền đông tỉnh Shandong, nơi người dân nói rằng họ nghe nói sẽ bị thu hồi đất vườn từ năm 2003. Sau khi nhận thấy chính quyền địa phương đưa ra giá bồi hoàn quá thấp, nông dân Liujiaying phản đối và không chịu dọn đất. Kháng nghị của họ hoàn toàn bị chìm nghỉm. Chỉ trong vài tháng, xe ủi đất hoạt động ban đêm đã phá huỷ sạch những vườn nho và trái cây đã có từ nhiều thập niên. Sau đó, các nhà ươm cây cũng bị ủi sạch. Nông dân nói ban đêm họ bị giật mình thức giấc vì tiếng gạch ủi vọng từ ngoài cửa sổ, một vài người thậm chí đã bị đánh đập (Phát ngôn viên chính quyền địa phương thành phố Qingdao có nhiệm vụ giám sát ngôi làng này nói "Tôi hoàn toàn không biết chi tiết về trường hợp này. Những tai nạn như thế này thường xuyên xảy ra tại Trung Hoa"). Một nông dân 62 tuổi tên là Liu Yinde vào tháng giêng đã đến Qingdao để đòi hỏi đền bù, mang theo một kiến nghị trình bày chi tiết tất cả sự việc. Trong kiến nghị, ông đòi hỏi chính quyền bồi thường trực tiếp 1,8 triệu USD cho những người dân bị mất thu nhập và kêu gọi thẳng lên Bắc Kinh: "Nông dân chúng tôi tin rằng chính quyền do chủ tịch Hồ Cẩm Đào lãnh đạo sẽ thực thi pháp luật cho người dân. Chúng tôi tin rằng ông sẽ quan tâm đến vấn đề của dân làng chúng tôi". Nhưng trước khi ông kịp gởi lá thư này thì Liu nói có một nhóm côn đồ chặn ông lại tại nhà ga, xé bỏ kiến nghị và bắt giam ông làm con tin trong một khách sạn suốt tám ngày. Ông nói: "Tôi không hiểu tại sao không ai quan tâm đến vấn đề của tôi. Luật pháp để làm gì nếu không phục vụ cho người dân?".

Về phần mình, chính quyền địa phương than phiền họ phải chịu một áp lực tài chính quá nặng nề. Vào năm 1994, chính quyền trung ương tìm cách khôi phục quyền hạn của mình qua một biện pháp cải cách đánh thuế lợi tức và thu gom tiền thuế, thay vì để cho địa phương được quyền thu và sử dụng. Cải cách này đem lại cho Bắc Kinh nhiều tiền hơn, để làm những việc đại khái như đưa con người bay vào không gian, nhưng các quan chức địa phương tin rằng điều này sẽ sớm thay đổi. Giáo sư đại học Suzhou, ông Xia Yongxiang nhận xét: "Chính quyền địa phương đã mất đi nguồn thu nhập chính, thế mà họ vẫn phải gánh vác trách nhiệm về dịch vụ xã hội". Vấn đề càng trở nên phức tạp hơn khi việc bổ nhiệm lãnh đạo địa phương lệ thuộc vào sự phát triển nhanh đầu tư nước ngoài, hơn là theo yêu cầu của các dịch vụ công ích xã hội. Không lấy gì làm ngạc nhiên khi chi phí y tế cộng đồng tại Trung Hoa vào năm 1994 là 4.2% GDP, sau khi cải cách thuế đã giảm xuống còn 2.8% vào năm 2002. Quyết định gần đây của Bắc Kinh về việc bãi bỏ thuế ruộng đất sẽ lại làm cho chính quyền địa phương hao hụt thêm nguồn thu ngân sách để chi cho các dịch vụ xã hội, mặc dù chính quyền trung ương hứa sẽ bao cấp. Cuối cùng, một số quan chức địa phương đã sử dụng một số hình thức tính thuế và thanh toán bất hợp pháp cũng như tìm cách giữ đất đem cho các nhà đầu tư nước ngoài thuê. Tại nhiều địa phương, các nguồn thu sáng tạo này lại có tác dụng hơn là ngân quỹ chính thức.

Có lẽ người nông dân sẽ không bất mãn, nếu tiền thu được xử dụng để xây trường học hoặc nạo vét lòng sông. Thay vào đó, họ than phiền rằng đồng tiền thu được thường bị quan chức địa phương sử dụng không đúng mục đích. Nhiều vụ hối lộ đã kết thúc bằng án tù giam, ví dụ như bản án hồi tháng trước của tỉnh Hebei dành cho bí thư chi bộ tỉnh uỷ vì đã ra lệnh tấn công làm thiệt mạng 6 người dân trong cuộc kháng nghị về vấn đề đất đai năm 2004. Nhưng rất ít trường hợp tham nhũng bị đưa ra toà, vì các quan chức địa phương thường xuyên bao che lẫn nhau. Điều này khiến cho chính quyền địa phương tại Trung Hoa trở nên thừa nhân sự, đặc biệt ở các vùng nông thôn, nơi công việc hành chính được xem như một hệ thống phúc lợi xã hội làm giảm thất nghiệp. Chỉ riêng việc trả lương và phụ cấp cho công chức chính quyền, nhà nước đã phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn. Ông Zhou Tianyong, phó giám đốc trung tâm nghiên cứu Central Party School, trung tâm bồi dưỡng chính trị của đảng cộng sản, nhận xét với tạp chí China Entrepreneur rằng: "Quan chức Trung Hoa chi tiêu quá nhiều tiền vào việc ăn nhậu và số lượng xe công mua mỗi năm đủ để xây dựng hai đập nước".

Bắc Kinh đã tìm mọi thử nghiệm để có thể làm cho đồng tiền được đưa đến cho người dân - một dự án trả lương cho giáo viên qua bưu điện thay vì để việc thanh toán lương này cho chính quyền trung ương kiểm soát. Nhưng theo Anthony Saich, giám đốc chương trình nghiên cứu xã hội Trung Hoa tại đại học Harvard: "Làm thế nào chúng ta biết được việc chính quyền địa phương có 20 giáo viên hay không? Chính quyền cấp cao không tin tưởng vào thuộc cấp". Nông dân từng ngây thơ tin tưởng rằng chính quyền trung ương có khả năng giải quyết mọi vấn đề giờ cũng đã mất lòng tin. Philip Brown, nhà kinh tế học tại cao đẳng Colby, người nghiên cứu về nông thôn Trung Hoa nói "Người ta nói rằng chính phủ đang tiến hành cải cách, và họ kiên nhẫn chờ đợi. Nhưng khi nhận thấy việc cải cách không được toàn diện, thế là họ tự hỏi đây phải chăng là những điều mà chúng tôi chờ đợi. Phương tiện thông tin đại chúng của Trung Hoa, dù đã cố gắng cung cấp cho nông dân hiểu biết về quyền lợi căn bản, càng làm cho người dân tỉnh ngộ. Theo Mary Gallagher, nhà nghiên cứu chính trị học tại đại học Michigan nhận định "Vì bản thân các phương tiện truyền thông cũng một nửa là thuộc chính quyền, do đó họ chỉ cung cấp các thông tin có lợi của pháp luật. Một phần là do các phương tiện truyền thông không thể đưa tin bất lợi đối với bạn, do đó họ chỉ tập trung vào những điều có lợi. Và nó tạo ra ảo tưởng".

Nông dân tại Panlong cảm thấy hy vọng của họ có thể trở thành ảo tưởng. Tất cả những gì họ mong đợi chính là công lý. Họ đã hai lần gởi đại diện đến Bắc Kinh với hy vọng có ai đó lắng nghe lời nói của họ. Nhưng không ai làm điều đó. Giờ đây, họ nói rằng chương trình vệ tinh không bị kiểm duyệt của HongKong cũng đã bị cắt, nên họ hoàn toàn không biết được thế giới bên ngoài nhìn vào vấn đề của họ như thế nào. Các nhà báo khi cố gắng đến gần làng đã bị cản trở. Họ tin rằng Bắc Kinh phải biết được điều gì đang xảy ra - và chính điều đó càng làm cho họ mất lòng tin vào chính quyền trung ương. Một người dân Panlong cay đắng hỏi: "Tại sao họ không quan tâm đến nông dân?"

Cách đó 50 km là làng Lishan, ở đó có một nông dân tên là Liang Beidai là một trong số những người sẵn sàng đứng lên chống trả. Vào tháng trước, ba người dân làng Lishan đã bị thương khi cuộc kháng nghị của họ bị đàn áp, người ta cũng nói rằng một học sinh trung học đã bị bắn vào đầu. Lãnh đạo của cuộc kháng nghị, Liang nói: "Chúng tôi sẵn sàng hy sinh (Cho quyền lợi của chúng tôi). Cả làng đã đi vào ngõ cụt, chúng tôi không có tiền, không có việc làm, không có đất đai. Không còn gì phải sợ nữa cả".

Nếu người nông dân đã không còn gì để sợ, thì có lẽ Bắc Kinh phải bắt đầu run rẩy.
http://www.vnn-news.com/article.php3?id_article=1933

No comments: